Các Thuật Ngữ Trong Ngành Bảo Hiểm Nhân Thọ

Bất kỳ ngành nghề nào cũng đều có thuật ngữ chuyên ngành, gây khó hiểu cho những “tay ngang”. Nội dung bài viết này tổng hợp tất cả thuật ngữ liên quan đến ngành Bảo hiểm Nhân thọ.

Các chủ thể trong hợp đồng

Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có luôn có các chủ thể:

  • Bên Mua Bảo Hiểm
  • Người Được Bảo Hiểm
  • Người Được Bảo Hiểm Bổ Sung
  • Người Thụ Hưởng

Đọc chi tiết về các chủ thể ở bài viết này.

Giá trị hoàn lại (GTHL)

Giá trị hoàn lại là số tiền mà chủ hợp đồng sẽ nhận được khi yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Tùy vào thời điểm chấm dứt hợp đồng mà GTHL sẽ khác nhau.

Đa số hợp đồng BHNT đều có GTHL, 1 số ít hợp đồng hoàn toàn không có GTHL.

Đáo hạn

Đáo hạn khi hợp đồng bảo hiểm đã hết thời hạn, lúc này công ty BHNT sẽ trả lại GTHL (nếu có) và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Một số loại hợp đồng có thời hạn cố định, ví dụ 15 năm, 20 năm…Ngoài ra còn có các hợp đồng có thời hạn linh động, cho phép gia hạn thêm thời hạn hợp đồng.

Sản phẩm chính

Trong 1 hợp đồng BHNT có nhiều sản phẩm, sản phẩm chính bảo hiểm quyền lợi tử vong. Tên thương mại của sản phẩm chính thường được đặt nhiều tên khác nhau để dễ nhớ.

Sản phẩm bổ sung (SPBS)

Bên cạnh sản phẩm chính, người tham gia còn có thể tham gia thêm các SPBS để gia tăng quyền lợi. SPBS còn gọi là sản phẩm bổ trợ. Có nhiều loại SPBS khác nhau, mỗi sản phẩm hỗ trợ 1 quyền lợi cụ thể, ví dụ:

Xem chi tiết về SPBS tại đây.

Số tiền bảo hiểm (STBH)

Số tiền bảo hiểm, còn gọi là mệnh giá, là số tiền mà công ty phải bồi thường nếu như có sự kiện bảo hiểm xảy ra đến với Người Được Bảo Hiểm.

Ví dụ: nói sản phẩm tử vong có mệnh giá 1 tỷ đồng, nghĩa là nếu Người Được Bảo Hiểm tử vong thì công ty có trách nhiệm phải bồi thường 1 tỷ đồng.

Sự kiện bảo hiểm (SKBH)

Sự kiện bảo hiểm ám chỉ các rủi ro như tai nạn, bệnh tật…được liệt kê trong hợp đồng. Tùy từng SKBH mà sẽ có các quyền lợi khác nhau, với STBH khác nhau.

Ví dụ: nếu anh A có tham gia sản phẩm Tai nạn và anh A bị tai nạn giao thông, thì đây gọi là 1 SKBH. Giả sử chị B cũng bị tai nạn nhưng chị B không tham gia sản phẩm Tai nạn, thì đối với chị B đây không phải là 1 SKBH.

Phí bảo hiểm cơ bản

Phí bảo hiểm cơ bản số tiền mà người tham gia bắt buộc phải đóng nếu muốn có các quyền lợi bảo hiểm. Trong 1 hợp đồng có nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm đều có phí bảo hiểm cơ bản khác nhau. Tổng các phí bảo hiểm cơ bản của từng sản phẩm tạo thành phí bảo hiểm cơ bản của hợp đồng.

Ví dụ: anh A tham gia 1 hợp đồng với 3 quyền lợi như sau:

  • Tử vong: phí đóng 20 triệu/năm
  • Tai nạn: phí đóng 1 triệu/năm
  • Bệnh hiểm nghèo: phí đóng 3 triệu/năm

Vậy tổng phí bảo hiểm cơ bản của cả hợp đồng sẽ là:

20 + 1 + 3 = 24 triệu/năm.

Phí bảo hiểm đóng thêm

Ngoài phí bảo hiểm cơ bản, 1 số loại hợp đồng còn cho phép bạn đóng thêm tiền, đây số tiền mà người tham gia không bắt buộc đóng, phí đóng thêm chỉ mang tính chất gia tăng tiền tiết kiệm.

Ví dụ: anh A ký hợp đồng với phí bảo hiểm cơ bản là 24 triệu/năm, anh A có quyền đóng thêm tiền, số tiền dư ra sẽ được cộng dồn và tăng lãi suất. Giả sử anh A đóng 30 triệu, thì 6 triệu mỗi năm tiền dư ra sẽ được bỏ qua chi phí rủi ro, cộng dồn và tăng lãi suất.

Bộ tài chính quy định phí đóng thêm không được vượt quá 5 lần phí bảo hiểm cơ bản.

Ngày kỷ niệm hợp đồng

Ngày kỷ niệm hợp đồng là ngày mà hợp đồng có hiệu lực, mỗi năm đều có ngày kỷ niệm hợp đồng. Có 1 số những chi tiết hợp đồng mà muốn thay đổi thì phải đợi đến ngày kỷ niệm hợp đồng.

Ví dụ hợp đồng của bạn có hiệu lực vào ngày 2/3/2020, thì ngày 2/3 hàng năm sẽ là ngày kỷ niệm hợp đồng.

Người giám hộ hợp pháp

Trong những trường hợp mua BHNT cho trẻ chưa đủ 18 tuổi thì người giám hộ hợp pháp sẽ là Bên Mua Bảo Hiểm, đứng ra đại diện ký tên trên hợp đồng. Tương tự, những vấn đề liên quan đến tiền bạc như tiền bồi thường, tiền đóng phí…đều là người giám hộ hợp pháp làm việc với công ty.

Người giám hộ hợp pháp thường là cha, mẹ, ông, bà của bé, nếu không phải là các chủ thể này thì phải có giấy của cơ quan công quyền để được công nhận là người giám hộ hợp pháp.

3.3/5 - (3 votes)