Những Khái Niệm Dễ Nhầm Lẫn Trong Bảo Hiểm Nhân Thọ

Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) có khá nhiều từ ngữ chuyên ngành dễ gây nhầm lẫn cho người “ngoại đạo”. Bản thân người viết bài, vốn đã và đang có nhiều thâm niên trong ngành, cũng từng có những nhầm lẫn sơ đẳng trong những ngày đầu tiên hành nghề.

những khái niệm dễ nhầm lẫn trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ netbaohiem

Trong nội dung bài viết này sẽ đề cập đến những khái niệm thường bị hiểu lầm nhất, giúp ta có cái nhìn chuẩn xác hơn khi đọc hợp đồng BHNT.

Bên Mua Bảo Hiểm, Người Được Bảo Hiểm và Người Thụ Hưởng

Luôn luôn có 3 chủ thể trong hợp đồng BHNT, giải thích 1 cách đơn giản nhất thì:

Bên Mua Bảo Hiểm (BMBH): là chủ của hợp đồng bảo hiểm, là người ký kết hợp đồng và có quyền quyết định đến hợp đồng như hủy hợp đồng, tăng/giảm mệnh giá, thay đổi sản phẩm…Công ty BHNT luôn làm việc với BMBH trong phần lớn trường hợp.

Người Được Bảo Hiểm (NĐBH): là người mà công ty BHNT sẽ quan tâm đến tính mạng, sức khỏe…nếu có rủi ro xảy với NĐBH, thì công ty BHNT sẽ bồi thường tiền cho Người Thụ Hưởng.

Người Thụ Hưởng (NTH): là người nhận tiền bồi thường khi có rủi ro xảy ra với NĐBH.

Ví dụ: anh Minh và chị Nga là 2 vợ chồng, có 1 đứa con là Hoa; anh Minh liên hệ với công ty để tham gia BHNT cho chị Nga và sẽ cho Hoa là Người Thụ Hưởng số tiền. Vậy, trong trường hợp này:

  1. BMBH là anh Minh, anh là người toàn quyền quyết định đến hợp đồng, công ty BHNT chỉ làm việc với anh Minh.
  2. NĐBH là chị Nga, nếu chị bị rủi ro gì như bệnh tật, tai nạn…thì công ty BHNT sẽ bồi thường tiền, tất nhiên công ty vẫn chỉ làm việc với anh Minh
  3. NTH là Hoa, sẽ nhận tiền bồi thường (điều kiện là Hoa phải trên 18 tuổi)

BMBH và NĐBH hoàn toàn có thể là 1 người, ví dụ anh Minh tự tham gia BHNT cho chính bản thân anh, và NTH sẽ là chị Nga và Hoa (mỗi người 50%)

Như vậy, khá nhiều khách hàng “muốn mua BHNT cho con”, lúc này tư vấn viên cần phải hỏi kỹ lại khách hàng xem họ muốn cho con làm NĐBH hay là NTH.

Phí đóng & mệnh giá

Số tiền bảo hiểm còn gọi là mệnh giá, là số tiền mà công ty sẽ bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đến với NĐBH.

Ví dụ: anh Minh tham gia cho chị Nga 1 hợp đồng BHNT với các quyền lợi như sau:

  1. Tử vong: 1 tỷ đồng
  2. Tai nạn: 300 triệu đồng
  3. Viện phí: 600 triệu đồng

Thì mệnh giá của 3 quyền lợi tử vong, tai nạn và viện phí sẽ lần lượt là 1 tỷ, 300 triệu và 600 triệu đồng.

Phí đóng là số tiền mà khách hàng phải đóng định kỳ để duy trì hiệu lực hợp đồng. Giữa phí đóng và mệnh giá luôn tỷ lệ thuận với nhau: mệnh giá càng cao thì phí đóng càng cao.

Thông thường, khách hàng sẽ chọn 1 mức phí đóng phù hợp với khả năng tài chính, tư vấn viên sẽ tính ra được mệnh giá bằng cách sử dụng phần mềm (software) của công ty.

Tư vấn viên hoàn toàn không có quyền tăng/giảm mệnh giá với cùng 1 mức phí đóng cho trước. Cách tính phí đóng hoàn toàn do công ty quyết định, mỗi công ty có cách tính phí khác nhau, nhưng thường ít khi chênh lệch nhau nhiều, đa số là xấp xỉ ngang nhau.

Thời hạn hợp đồng & thời hạn đóng phí

Thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian tính từ lúc hợp đồng có hiệu lực đến lúc hợp đồng đáo hạn. Hiện nay thời hạn hợp đồng thường dài từ 12 năm đến khi khách hàng 99 tuổi, tùy loại hợp đồng. Theo kinh nghiệm, thời hạn tốt nhất của hợp đồng BHNT nên là 15 năm.

Thời hạn đóng phí là khoảng thời gian cần thiết để duy trì hiệu lực hợp đồng, tính từ lúc hợp đồng có hiệu lực, thông thường dài từ 12 năm trở lên.

Thời hạn đóng phí và thời hạn hợp đồng có thể không bằng nhau. Hiện nay, đa số hợp đồng BHNT là loại liên kết chung và liên kết đơn vị, nên dù bạn có đóng phí 12 năm, hợp đồng vẫn sẽ có hiệu lực lên đến 25 năm. Điều kiện là không rút tiền ra, cũng không cần đóng tiền vào, sau 12 năm quyền lợi vẫn sẽ được duy trì.

Tham gia Bảo hiểm Nhân thọ

Hãy nhập đầy đủ thông tin vào mẫu bên dưới và nhấn nút Gửi Yêu Cầu Tư Vấn. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn gói Bảo Hiểm Nhân Thọ tốt nhất.

Form bottom post
Sending
5/5 - (1 vote)